Từ nguyên Tiến_sĩ

Từ Hán Việt "Tiến sĩ" (進士) vốn được dùng để chỉ người đỗ đạt cao thời phong kiến. Những vị Tiến sĩ này thường phải đỗ các kỳ thi do chính quyền đương thời tổ chức gồm thi hương, thi hội, và thi đình rồi sau đó được bổ nhiệm ra làm quan. Ngày nay, từ Tiến sĩ trong tiếng Việt để dùng để chỉ một học vị dành riêng cho những người công tác trong tất cả các lĩnh vực học thuật nói chung. Trong tiếng Anh, Tiến sĩ được gọi chung gọi là "Doctor of Philosophy" hoặc "PhD", và từ viết tắt cho danh hiệu của một vị Tiến sĩ là Dr. (trong từ Doctor). Cách gọi này rất dễ gây nhầm lẫn với những người đang công tác trong ngành Y - người được gọi với danh xưng Bác sĩ (trong tiếng Anh cũng gọi là Doctor) như ta thường nghe trong đời sống hằng ngày. Trong tiếng Hán thì tên gọi "Bác sĩ" (博士) ("bác" trong từ uyên bác, "sĩ" để chỉ những người học cao, hiểu rộng, có kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực nhất định có thể kể đến như ca sĩ, nghệ sĩ, nha sĩ, v.v) để gọi chung cho những cá nhân có trình độ tay nghề cao được xã hội thừa nhận, người tốt nghiệp các ngành không liên quan đến Y học, kể cả quan lại trong triều đình phong kiến. Tuy nhiên, trong tiếng Việt kể từ đầu thế kỷ XX, "Bác sĩ" lại bị hiểu sai thành "người làm nghề Y" - một người đúng ra phải được gọi với cái tên là "Y sĩ". Cách gọi tên sai này có thể xuất phát từ thời nước ta rơi vào vòng thuộc địa của Pháp, khi mà Y học phương Tây được chính quyền thực dân du nhập, phổ cập, và mở các trường lớp đào tạo trên lãnh thổ nước ta.[1].